AQUAMARINE – CẢI THIỆN ĐỘ SẠCH (CLARITY ENHANCED)

Tháng ba này, AD lab đã nhận được rất nhiều mẫu kiểm định aquamarine được xử lý bằng phương pháp lấp đầy nhằm cải thiện độ sạch viên đá. Phương pháp xử lý này có thể được phát hiện một cách dễ dàng dưới kính hiển vi ngọc học tiêu chuẩn bằng việc quan sát các đặc điểm như: hiệu ứng đèn flash, bọt khí và các đường nổi (relief lines). Ngoài ra, một số vết nứt bị lấp đầy phát quang màu trắng phấn khi quan sát dưới đèn UV ở bước sóng dài.

Việc xử lý nhằm nâng cao độ sạch của beryl không phải là mới. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một lượng lớn aquamarine được xử lý lấp đầy bằng các chất ngoại lai như sáp và nhựa (resin) đã được đưa vào thị trường Việt Nam.

Trong bài viết này, AD lab thực hiện trên 2 mẫu vật được đưa đến kiểm định phổ biến nhất là tượng và vòng tay bằng các phương pháp giám định cơ bản để đưa ra những bằng chứng hữu ích nhất trong việc xác định aquamarine đã qua xử lý lấp đầy (Hình 1).


Hình 1. Chiếc vòng tay và tượng này là ví dụ điển hình của đồ trang sức aquamarine đã qua xử lý, hiện đang được bán phổ biến ở thị trường Việt Nam.

Đối với các tính chất vật lý và quang học, các mẫu xử lý cải thiện độ sạch, tẩm dầu và các mẫu không xử lý, không khác nhau nhiều về tỷ trọng, chiết suất, độ lưỡng chiết…. tuy nhiên khi quan sát dưới đèn UV, một số mẫu aquamarine lấp đầy xuất hiện màu trắng phấn, ngược lại so với aquamarine tự nhiên không xử lý (không phát quang dưới đèn UV) (Hình 2).


Hình 2. Aquamarine quan sát dưới đèn UV bước sóng dài phát quang màu trắng phấn đặc trưng của phương pháp xử lý lấp đầy.

Kiểm tra dưới kính hiển vi ngọc học, chúng tôi quan sát thấy hiệu ứng đèn flash tại các vết nứt ở hầu hết các mẫu đã qua xử lý. Khi xem mẫu theo hướng của đèn flash, các đường nổi nơi chất lấp đầy chạm tới bề mặt của viên đá cũng được phát hiện. Một số đặc điểm phổ biến khác như bọt khí, các vùng có đường nổi cao (biểu thị sự lấp đầy không đầy đủ) (hình 3, 4) cũng được ghi nhận. Đây đều là những dấu hiệu điển hình của phương pháp xử lý lấp đầy.


Hình 3. Hiệu ứng đèn flash ánh sáng xanh lam và bọt khí được quan sát thấy trong các mẫu aquamarine được xử lý lấp đầy



Hình 4. Các vết nứt được lấp đầy có thể nhìn thấy trên bề mặt của các viên aquamarine dưới dạng các đường nổi.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về phương pháp xử lý lấp đầy của aquamarine, AD Lab hy vọng bài viết sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, hình ảnh hữu ích cho quý khách hàng trong việc đánh giá và lựa chọn sản phẩm.