PHÂN CẤP KIM CƯƠNG: TIÊU CHUẨN 4C TRONG GIÁM ĐỊNH

Từ những năm 1500, các thương gia đã sử dụng rất nhiều thuật ngữ khác nhau để diễn tả về giá trị của kim cương. Tuy nhiên, do sự không nhất quán giữa cách mô tả cũng như giới thiệu về sản phẩm đã khiến công việc kinh doanh giữa người bán và người mua gặp khó khăn.

Đầu thế kỷ 20, Robert M. Shipley (nhà sáng lập GIA) đã tiêu chuẩn hóa các thuật ngữ đánh giá về giá trị của kim cương gọi chung là tiêu chuẩn 4C bao gồm: màu sắc (Color), độ tinh khiết (Clarity), cắt mài (Cut) & trọng lượng (Carat). Sự xuất hiện tiêu chuẩn này đã trở thành ngôn ngữ chung giúp những nhà kinh doanh trang sức, đá quý cũng như khách hàng dễ dàng tìm hiểu, ghi nhớ và giải thích các yếu tố quyết định giá trị của một viên kim cương

Thuật ngữ này dần xuất hiện nhiều trên các bài báo khoa học – Trong các khóa học về Ngọc học và trở nên thông dụng với người tiêu dùng cho đến ngày nay.

4C- Carat

HỆ THỐNG CARAT BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO?

Carat, đơn vị trọng lượng tiêu chuẩn dùng để đo lường kim cương và các loại đá quý khác được lấy tên từ hạt carob (hạt của một loại cây họ đậu). Bởi vì, những hạt carob có trọng lượng khá đồng đều, nên những nhà buôn bán đá quý thời kỳ đầu đã sử dụng chúng làm đối trọng trong đo lường kim cương đá quý trên những chiếc cân cầm tay nhỏ. Carat theo hệ đo lường 01 carat =  0,2 gram, được Hoa Kỳ và các nước trên thế giới áp dụng ngay sau đó vào năm 1913. Ngày nay, một carat có trọng lượng chuẩn ở mọi nơi trên thế giới. (GIA 4Cs Carat Weight, www.gia.edu/gia-about/4cs-carat)

Trong ngành công nghiệp kim cương & đá quý, trọng lượng thường được đo đến hàng phần nghìn carat và được làm tròn đến hàng phần trăm carat. Sự khác biệt rất nhỏ trong trọng lượng cũng có thể tạo nên sự chênh lệch to lớn về giá trị của viên kim cương.


4C- Clarity

Kim cương được hình thành từ sâu trong lòng trái đất dưới tác động nhiệt độ và áp suất rất cao, do đó chúng thường mang những dấu vết sinh trưởng như: bao thể (bên trong viên kim cương) hoặc tỳ vết (dấu vết bên ngoài bề mặt). Đây là hai yếu tố quan trọng trong việc đánh giá vẻ đẹp tổng thể của kim cương đã chế tác và cũng là cơ sở để xác định giá trị của viên kim cương.

Bao thể (inclusion): Là những bao thể nằm hoàn toàn bên trong viên kim cương.

Tỳ vết (blemishes): Là những đặc điểm chỉ giới hạn ở bề mặt của viên kim cương

Thang đo độ tinh khiết theo GIA bao gồm 11 cấp độ, khi xác định cấp độ chúng ta cần phải xem xét về kích thước, vị trí, màu sắc, độ nổi và số lượng các đặc điểm này.

-   FL (Flawless): Không có bao thể, chỉ có một số tỳ vết rất rất nhỏ khi quan sát dưới độ phóng đại 10x

-   IF (Internal Flawless): Không có bao thể, chỉ có một số tỳ vết rất nhỏ khi quan sát dưới độ phóng đại 10x.

-   VVS1 & VVS2 (Very Very Slightly Included): Có những bao thể rất nhỏ từ rất rất khó (VVS1) tới rất khó (VVS2) quan sát dưới độ phóng đại 10x.

-   VS1 & VS2 (Very Slightly Included): Có những bao thể nhỏ từ khó (VS1) tới không quá khó (VS2) để quan sát dưới độ phóng đại 10x.

-   SI1 & SI2 (Slightly Included): Có những bao thể khá nổi bật từ dễ (SI1) tới rất dễ (SI2) để quan sát dưới độ phóng đại 10x.

-   I1, I2 & I3 (Included): Có những bao thể nổi bật và rất dễ quan sát dưới độ phóng đại 10x.


Thang đo đánh giá độ sạch kim cương từ FL – I3 theo tiêu chuẩn 4C của GIA

 4C- Cut

Cắt mài là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến “lửa”, độ lấp lánh và độ phản chiếu ánh sáng của kim cương. Hệ thống phân loại cắt mài kim cương GIA dành cho các viên kim cương mài tròn tiêu chuẩn trong dải màu D-Z dựa trên việc đánh giá bảy yếu tố.

Ba yếu tố đầu tiên liên quan vẻ đẹp bên ngoài của viên kim cương bao gồm:

-           Độ phản chiếu ánh sáng: Kết quả của sự khúc xạ và phản xạ ánh sáng khi chúng đi vào viên kim cương qua mặt bàn, khúc xạ tại phần đáy và cuối cùng thoát ra ngoài qua mặt bàn của viên kim cương.

-          Lửa: Kết quả của sự phân tán ánh sáng thành các màu đơn sắc nằm trong dải quang phổ như: đỏ, cam, vàng, lục, lam và tím.

-          Độ lấp lánh: Mô hình các vùng sáng, tối và các tia sáng lấp lánh đan xen, khi viên kim cương hoặc người quan sát di chuyển.

    Bốn yếu tố còn lại có liên quan đến thiết kế và tay nghề của thợ chế tác bao gồm: tỷ lệ trọng lượng, độ bền, độ bóng và độ đối xứng.

Hầu hết các viên kim cương đang lưu hành trên thị trường đều cắt mài theo tiêu chuẩn mài tròn chiếu sáng. Một viên kim cương được cắt theo kiểu này thường có 57 hoặc 58 mặt, mặt thứ 58 là một mặt phẳng nhỏ ở dưới cùng được gọi là culet. Mặt phẳng lớn phía trên là mặt bàn nơi có thể quan sát rõ ràng nhất độ lấp lánh của viên đá. Các hình dạng khác được gọi là Fancy Cut, thông dụng gồm: hình chữ nhật (baguette), hình hạt dưa (marquise), hình vuông (square)…


Thang phân cấp cắt mài theo tiêu chuẩn 4C

  4C – Color

Chỉ một sự khác biết rất nhỏ về màu sắc cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của viên đá do đó thước đo màu sắc theo tiêu chuẩn GIA rất khắt khe trong việc phân cấp kim cương. Theo thang đo, kim cương càng không màu (Colorless) thì giá trị càng cao (ngoại trừ kim cương màu như kim cương hồng (pink diamond), kim cương xanh (blue diamond)…)

Thang phân cấp màu của GIA dành cho kim cương là tiêu chuẩn của ngành. Thang đo bắt đầu bằng chữ cái D, đại diện cho không màu và tiếp tục với sự hiện diện ngày càng tăng của màu sắc đến chữ Z. Từ D-F là những viên không màu, từ G-J là gần không màu, từ K-M là hơi có màu, từ N-R là màu vàng rất nhạt và S-Z là màu vàng nhạt. Mỗi loại chữ cái có một phạm vi màu sắc được xác định rõ ràng. Kim cương được phân cấp màu bằng cách so sánh chúng với những viên mẫu chuẩn dưới điều kiện môi trường ánh sáng tiêu chuẩn.

 

 

Sự biến thiên màu sắc theo thang đo GIA